Có lẽ bởi đã sớm chuẩn bị tinh thần cho kịch bản tồi tệ nhất, nên Tô Vân Trinh nghe xong, lại không khóc cũng chẳng náo.

Ngọn đèn dầu trên bàn đã cháy đến cuối, ánh sáng vàng vọt run rẩy, kéo bóng người trên tường dài ngoằng, méo mó, cuối cùng bị bóng đêm nuốt chửng.

Ta thêm dầu, nhóm lại đèn, nhân ánh sáng nhìn kỹ hai chủ tớ trước mặt.

Một người như đã nhìn thấu trần duyên, chỉ chực khoác áo xuất gia, quy y cửa Phật.

Một người thì lửa giận ngùn ngụt, hận ý trong mắt hệt như muốn thiêu rụi cả đôi cẩu nam nữ kia, moi tim uống máu.

“Các ngươi… định làm gì tiếp?” Cuối cùng ta cũng phá vỡ sự im lặng ngột ngạt.

Nói thật, ta chỉ là một bà đỡ ở thôn nhỏ bên rìa Vĩnh An thành.

Cái nghề duy nhất biết làm là đỡ đẻ cho phụ nữ. Trong đời từng thấy quan lớn nhất cũng chỉ là An Viễn Hầu mà nhờ đi đỡ đẻ mới được liếc nhìn từ xa.

Nay lại dính đến công chúa, hoàng đế, mấy hôm trước có đánh chết ta cũng không dám tin.

Chuyện tày trời thế này, đừng mong ta gánh nổi!

Thanh Đài hai tay siết chặt thành nắm, răng nghiến ken két:

“Vĩnh An thành là địa bàn của nhà họ Lục, chúng ta mà đi báo quan chẳng khác nào tự chui đầu vào lưới. Người khác cũng sẽ không tin thân phận tiểu thư.”

“Đi kinh thành, gặp mẫu thân ta.”

Tô Vân Trinh bỗng cất tiếng, giọng nói mang theo băng giá, như mặt hồ đóng băng giữa mùa đông.

“Chỉ cần đến được kinh thành, mẫu thân và cữu cữu nhất định sẽ vì ta mà đòi lại công đạo.”

Ta bất giác rùng mình, cảm thấy Tô Vân Trinh dường như đã khác hẳn trước kia, nhưng lại không nói rõ được khác chỗ nào.

Nghĩ tới nghĩ lui, ta mới chợt hiểu ra:

Nàng giống như đứa trẻ trong làng từng bị quỷ nhập, sau khi được đạo sĩ trọc đầu làm phép trục tà mới tỉnh lại, hồn phách hồi phục, tà khí tiêu tan, vận khí sẽ chuyển tốt.

Tô Vân Trinh nói tiếp:

“Chúng ta toàn là nữ nhi, nếu trà trộn vào đoàn thương nhân, người đông tạp nham, e rằng trên đường sẽ xảy ra chuyện. Chi bằng bỏ tiền thuê tiêu cục bảo vệ. Tuy tốn kém, nhưng ít ra an toàn, đỡ phải ngày đêm nơm nớp lo sợ.”

Chuyến đi đến kinh thành xa xôi, ít nhất cũng mất hai tháng rưỡi.

Bản thân nàng đang mang thai, đi lại bất tiện, tự nhiên không thể đích thân đi.

Thanh Đài liền xung phong, gánh vác trọng trách đưa tin.

Nàng là con gái người quản sự ở trang trại của Ninh An công chúa, từ nhỏ đã sống trong phủ công chúa, chỉ cần đến được kinh thành, với khuôn mặt này, nhất định có thể gõ cửa phủ công chúa.

Tiền ở đâu ra?

Mấy món kim trâm ngọc thoa mà hôm đầu ta tháo xuống từ đầu Tô Vân Trinh, đã bị ta lấy búa nhỏ đập dẹp lép, mấy viên ngọc phỉ thúy đính trên đó cũng bị gỡ ra, gom lại thành một đống nhỏ, cuối cùng đập thành cục vàng lởm chởm không nhìn ra hình dáng ban đầu.

Thanh Đài lại mang chiếc bối tử màu xanh nước nhạt đã giặt sạch, đến tiệm cầm đồ trong thành cắm chết, bán rẻ được bốn mươi lượng bạc.

Khoản tiền ấy chia làm hai:

Hai mươi lượng làm lộ phí cho Thanh Đài lên kinh; hai mươi lượng còn lại để Tô Vân Trinh chi dùng sinh hoạt và lo liệu chuyện khẩn cấp.

Ngày xuất phát, trời còn chưa sáng rõ.

Tô Vân Trinh tháo chiếc ngọc bội khắc chữ “Tô” mà nàng chưa bao giờ rời thân, kiễng chân, tự tay đeo vào cổ Thanh Đài, vành mắt đỏ hoe.

Nàng chậm rãi, từng chữ từng lời nói:

“Khi gặp được mẫu thân, chỉ cần muội đưa ngọc bội này ra, bà ấy sẽ tin muội.”

Nàng ngừng lại, vươn tay chỉnh lại cổ áo cho Thanh Đài, giọng nghèn nghẹn.

“Thanh Đài, nhất định phải bình an trở về.”

Sau khi Thanh Đài đi chưa được mấy hôm, ta đang tính toán xem gạo trong chum sắp hết, nghĩ có nên vào thành nhận thêm một mối, thì bên ngoài viện bỗng vang lên tiếng gọi lanh lảnh của A Bảo:

“Nương ơi! Nương ơi! Mau ra coi! Có xe ngựa lớn! Tới đón di rồi kìa! Di sắp được rước về hưởng phúc rồi đó!”

Lòng ta như chùng xuống, chân mày lập tức nhíu chặt.

Mới ba ngày, dù có mọc cánh cũng chẳng thể nào quay về từ kinh thành nhanh đến vậy.

Hưởng phúc?

Sắc mặt ta tái hẳn, bật người khỏi ghế, vừa lúc liếc thấy ngoài cổng viện đang dừng một cỗ xe ngựa sang trọng.

Bên cạnh xe là một người đàn ông trung niên ăn mặc kiểu quản gia, phía sau còn theo mấy tên gia đinh to cao lực lưỡng, trông dữ tợn vô cùng.

Gương mặt ấy, có hóa thành tro ta cũng nhận ra.

Chính là quản gia phủ An Viễn Hầu!

Ta chỉ kịp dồn hết sức đạp đổ chiếc ghế bên cạnh, phát ra tiếng “rầm” thật lớn, mong lay tỉnh được Tô Vân Trinh trong phòng.

Còn chưa kịp chạy vào, mấy gã gia đinh đã xông vào nhà.

“Thẩm Tam nương, gấp gáp vậy là muốn chạy đâu đấy?” Quản gia kia nửa cười nửa không, mắt tam giác đầy khinh miệt quét một vòng qua căn nhà cũ nát của ta.

Tim ta lập tức chìm xuống đáy vực.

Ta ôm chặt A Bảo đang run cầm cập vào lòng, gắng gượng nặn ra một nụ cười còn khó coi hơn khóc:

“Chà, gió nào đưa đại nhân tới vậy? Ta đang tính, khách quý tới cửa, phải đi rót chén trà nóng tiếp đãi cho tử tế chứ. Nhà quê nghèo hèn, chẳng có gì đáng giá để dâng.”

con cho truyenne và con dau xanh rau ma chuyen ai an cap